Nghiên cứu: Ngọc trai (Pearl)


Việt Nam nhiều tiềm năng phát triển ngọc trai

16/04/2018

Taiheiyo Shinju Việt Nam Co. Ltd - công ty 100% vốn đầu tư của Nhật Bản, doanh nghiệp đầu tiên cho ra đời những sản phẩm ngọc trai được nuôi trồng và chế tác tại Việt Nam. 

Mặc dù đã phát triển nghề mò ngọc trai từ trên 100 năm về trước với chất lượng ngọc trai tự nhiên khiến “vua chúa các nước lân cận phải mơ ước”, nhưng phải đến năm 2006, Việt Nam mới được ghi danh trên bản đồ sản xuất ngọc trai trên thế giới.

Taiheiyo Shinju Việt Nam Co. Ltd được thành lập năm 2000 và hiện nay đã tăng vốn đầu tư lên gấp 2 lần, đạt mức 2 triệu USD. Cuối năm 2006, sản phẩm ngọc trai của công ty đã đăng ký thương hiệu dưới cái tên Spica và là sản phẩm ngọc trai duy nhất nhận giải thương Sao Vàng Đất Việt, hiện đã có mặt ở những thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, EU.

Năm 2007, Taiheiyo Shinju Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 400 kilôgam ngọc, đạt doanh thu khoảng 16 tỉ đồng. Dự kiến năm 2008 các con số này là 500kg và 20 tỷ đồng.

Không phải ngẫu nhiên ngọc trai Việt Nam lại được biết đến qua một công ty của Nhật Bản mà ngay từ những năm 90 của thế kỷ trước, các chuyên gia nước này đã vào Việt Nam, cùng với cơ quan đầu ngành về kinh tế biển là Bộ Thuỷ sản nghiên cứu thí điểm nuôi trai lấy ngọc. Trong quá trình đó, có doanh nghiệp lâu năm trong nghề ngọc trai của Nhật Bản cũng đã nếm trải thất bại.

Sản phẩm ngọc trai Spica là bước đột phá về công nghệ nuôi cấy từ quá trình kết hợp lai tạo giữa hai loài trai Nhật Bản và Việt Nam tại vùng biển đảo Vân Đồn thuộc vịnh Bái Tử Long (Quảng Ninh). Thành phần chủ yếu của Spica là lớp xà cừ Carbonate Calcium chiếm hơn 90%, phần còn lại là nước và các hợp chất hữu cơ tạo nên sự sống cho viên ngọc.

Không chỉ dừng lại ở việc nuôi cấy lấy ngọc, Taiheiyo Shinju Việt Nam đã tiến bước dài trong việc sản xuất và chế tác đồ trang sức. Công ty đang mở rộng mạng lưới kinh doanh thị trường nội địa. Như vậy, người tiêu dùng Việt Nam không còn phải sử dụng ngọc trai ngoại nhập, đa số không rõ nguồn gốc và chất lượng không được đảm bảo như trước đây mà đã có thể đặt niềm tin vào chính những trang sức cao cấp được sản xuất ngay trên vùng biển của nước mình.

Với lợi thế bờ biển dài hơn 3.200km, chất lượng ngọc trai tự nhiên tốt, lại có nghề nuôi trai lấy ngọc truyền thống, Việt Nam được đánh giá cao về tiềm năng phát triển sản phẩm này. Nhưng bất cập là ở chỗ sản xuất còn phát triển manh mún, nhà nước chưa quan tâm đầu tư đúng mức.

Giám đốc công ty Taiheiyo Shinju Việt Nam, cho biết thị trường trai ngọc hiện còn rất lớn và sản phẩm của công ty chưa đáp ứng hết nhu cầu. Nếu phát triển sản xuất nhiều hơn, Taiheiyo Shinju sẽ tính đến việc mở một sàn giao dịch ngọc trai quốc tế tại Việt Nam để tăng cơ hội cho khách hàng và phát triển thêm một ngành nghề mới cho ngư dân Việt Nam.